Lượt xem: 264
Cần sự phối hợp giáo dục trẻ em trong quan hệ thầy, trò, phụ huynh
01/10/2019
Giáo dục trẻ em luôn là một việc khó. Rất nhiều bàn cãi, rất nhiều cuốn sách công phu, các cuộc hội thảo để bàn về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thể nói là đầy đủ. Bởi trẻ em không chỉ là tương lai của mỗi gia đình mà còn là tương lai của một đất nước.
Gần đây trên báo chí cũng như không gian mạng rộ lên những trao đổi, tranh luận về giáo dục trẻ em, về quyền trẻ em … Trong đó, chuyện bạo lực học đường nổi lên thành một vấn đề cốt lõi. Bạo lực giữa học trò với học trò, giáo viên đối với học trò … Rất nhiều ý kiến (trên báo chí và trên mạng xã hội) khá chân thành, nhiều bài viết đã điểm trúng các nguyên nhân. Có người cho rằng bạo lực học đường hiện nay là do sự giáo dục của gia đình và nhà trường có nhiều điểm bất cập đã làm suy giảm tính nhân văn trong tâm hồn trẻ. Có bài viết cho rằng mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng tới lớp trẻ về tính cạnh tranh. Có tác giả lại đánh giá bạo lực học đường xuất phát từ chỗ thiếu niên Việt Nam lâu nay nghiện phim hành động vốn nhiều cảnh bạo lực cùng sự khuyến khích tuổi trẻ trở thành anh hùng bằng nắm đấm, bằng những hành động vũ lực, phi thường … Những đánh giá trên có thể đúng và có thể vẫn cần sự bàn luận thêm, nhưng ít nhiều đã nêu ra được những nguyên nhân.
Sự việc đang gây nhiều tranh cãi gần đây là một cô giáo phạt học trò bằng hình thức quỳ. Người thì bảo đó là sự hạ nhục, là xâm hại đến nhân phẩm con người … Lại cũng có ý kiến cho rằng việc làm của cô giáo là chuyện xử phạt bình thường, qua hình phạt ấy, học trò sẽ phải suy nghĩ và ân hận về lỗi lầm đã gây ra. Những rắc rối trong giáo dục, đặc biệt là trong quan hệ thầy/trò, giáo viên/phụ huynh phần nhiều điều xuất phát từ chuyện xử phạt mà ra và từ đó nổ ra không ít tranh cãi.
Trích ảnh: Buổi lễ chào cờ của thầy trò trường THCS, THPT Tân Thạnh
Nhìn về cách giáo dục truyền thống ở Việt Nam và nhiều nước Phương Đông thì thấy rõ sự nghiêm khắc, thậm chí roi vọt cũng được dùng như một biện pháp không thể thiếu. Ở một vài nước Phương Đông đến nay trong Luật pháp vẫn áp dụng biện pháp này. Không chỉ ở Phương Đông, Nhà giáo dục Xô Viết nổi tiếng toàn thế giới là Makarenko cũng từng cho rằng : Trong một trường hợp cá biệt nào đó, sử dụng vũ lực là điều cần thiết. Ông đã dẫn ra một tình huống mà ông đã thành công từ một cái tát nảy lửa. Và chính chúng ta, đặc biệt là những người bước vào độ tuổi 60 trở lên, những người thành đạt cả về sự nghiệp lẫn đạo đức, trong những năm học phổ thông ai mà chẳng từng bị một vài cái véo tai, vài cái thước kẻ vào bàn tay đau điếng, mà có ai oán trách thầy cô là ác hoặc nhục mạ học trò. Vì thế rất cần sự suy xét đầy đủ chứ đừng vội lên án giáo viên là tàn nhẫn hoặc xâm phạm này nọ … Có ý kiến cho rằng, hiện nay sự nuông chiều con cái hơi thái quá của một số phụ huynh đã trở thành hệ lụy dẫn đến sự bất bình khi giáo viên “dám động” đến con cái của họ. Riêng đối với bản thân tôi đã từng được chứng kiến một vài phụ huynh ở nhà đánh con không nương tay, nhưng đến khi chỉ bị thầy cô xử phạt hơi bất thường một chút là đã nổi đóa, hoặc đơn thư kiện cáo.
Gần đây, tôi thường xuyên được tiếp xúc với các giáo viên, các thầy cô thường tâm sự với tôi rằng : Tình trạng học sinh và phụ huynh như ngày hôm nay làm họ rất lo ngại. Sơ sểnh một chút là có thể bị trả giá bằng cả cuộc đời. Cũng đã có vài giáo viên trở nên tiêu cực, đã dẫn đến lối hành xử buông xuôi, né tránh … để giữ mình. Nếu vậy, thì nền giáo dục có khi lại có một lối rẽ đáng sợ hơn. …
Tất nhiên, mọi ý kiến chủ quan đều không thể lấy làm chuẩn mực. Nhưng hiện nay đúng là đang có một thực tế, nếu giáo viên tát học trò một cái có thể sẽ mất việc, quát mắng hoặc phạt học trò hơi quá đà một chút cũng có khi bị kiểm điểm, thậm chí bị phụ huynh phản ứng. Nêu ra những hiện tượng trên không phải tôi bênh vực, cổ xúy cho những hành động xâm phạm thể xác và tinh thần, danh dự học trò của những giáo viên vô lối, kém hiểu biết về giáo dục, thiếu chuyên môn, mà chỉ với mong muốn có được sự đồng cảm, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa phụ huynh và nhà trường để nền giáo dục chung mỗi ngày một đi lên.
Có một sự thật hiển nhiên, dù có bao biện thế nào đi nữa thì cũng phải lấy những quy định, quy chế được ban hành từ Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thước đo. Đồng thời đó cũng là một vấn đề đòi hỏi sự tự nguy ngẫm của tất cả mọi người.
Bài và ảnh: Sóc Ca.